Những lý do thường gặp khiến hồ sơ xin Visa bị từ chối

Thứ sáu, 04/05/2018, 11:38 GMT+7

Những lý do thường gặp khiến hồ sơ xin Visa bị từ chối

Để chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ xin visa, quý vị không chỉ tốn khá nhiều thời gian, công sức mà còn cả tiền bạc. Thế nhưng khi nộp lên thì hồ sơ lại bị từ chối vì nhiều lý do mà quý vị không lường trước được. Sau đây là những lý do thường gặp nhất mà quý vị nên tham khảo qua để chuẩn bị tốt hơn cho hồ sơ của mình trước khi nộp lên Bộ Nội Vụ (tên gọi mới của Bộ Di Trú Úc).

TOP 5 lý do chung dành cho tất cả các loại Visa

  • Khai thông tin không chính xác. Lời khai của quý vị trong hồ sơ hoặc không chính xác với sự thật, hoặc thông tin không trùng khớp với lời khai từ những hồ sơ xin Visa trước đây.

  • Thiếu chứng cứ và khai thông tin mâu thuẫn

  • Những yêu cầu về sức khỏe. Khi đương đơn hoặc người phụ thuộc không đạt những yêu cầu về sức khỏe từ Bộ Nội Vụ.

  • Vấn đề về nhân thân, tiền án tiền sự.

  • Giấy tờ giả. Vấn đề này xảy ra rất nhiều trong các hồ sơ xin Visa, và hầu hết đều bị phát hiện.

Visa Du Lịch

  • Lời khai không chính xác, sai lệch so với thực tế.
    Khi khai hồ sơ xin Visa Du Lịch, đương đơn phải nêu rõ mục đích đi chỉ là để du lịch, và sau chuyến đi sẽ quay trở về nước. Điều này ràng buộc đương đơn phải có những lý do cụ thể như: có gia đình ở quê hương, có công việc hoặc công ty cần phải tiếp tục điều hành, vv…
    Ví dụ: Một trường hợp hồ sơ xin Visa Du Lịch bị từ chối vì công ty trung gian khai trong hồ sơ là đương đơn có công việc và đang đi làm. Nhưng thực tế là đương đơn đã về hưu. 

    Lưu ý: Khi hồ sơ bị từ chối có điều khoản 4020, thì người xin Visa đó sẽ hoàn toàn không được nộp bất kì loại Visa nào khác trong vòng 3 năm.

  • Đương đơn không khai trong hồ sơ về những trường hợp mà họ từng bị từ chối Visa trước đây.Đây là một lý do cũng khá phổ biến khi Visa Du lịch bị từ chối.
    Quý vị phải đảm bảo rằng lời khai nhất quán với thông tin thực tế. Trước đây quý vị từng bị từ chối hồ sơ xin Visa nào, vào thời điểm nào và lý do gì, quý vị cần phải khai rõ, vì Bộ Nội Vụ luôn lưu giữ lại thông tin tên tuổi của các vị đã từng nộp xin Visa và có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.

  • Vấn đề về tài chính cũng là một lý do phổ biến để hồ sơ xin Visa du lịch bị từ chối. Nếu trong giấy xác nhận của Ngân hàng, có kê khai một khoảng tiền lớn vừa được gửi vào, Bộ Nội Vụ có quyền đặt nghi vấn và có quyền từ chối hồ sơ.
    Số tiền tiết kiệm phải do tích lũy lâu năm, hoặc trong trường hợp đương đơn không đủ khả năng tài chính thì có thể nhờ sợ hỗ trợ từ người thân trong gia đình (ba mẹ, con cái, vv…) và khai trong hồ sơ là có người thân hỗ trợ tài chính.   

Visa Vợ Chồng

  • Thiếu chứng cứ về mối quan hệ vợ chồng hoặc hôn thê.

  • Khai hồ sơ không chính xác, hoặc thông tin giả mạo.

  • Quý vị phải cung cấp càng nhiều chứng cứ càng tốt về việc quý vị sống cùng nhà, cùng chia sẻ các vấn đề tài chính, công việc nhà.

    Ví dụ: cung cấp tất cả những giấy tờ, thư từ có tên của vợ/chồng và địa chỉ trên thư, chứng minh là cả hai cùng sống tại một địa chỉ; lời khai làm chứng của trên 2 nhân chứng trở lên; hình chụp của hai người trong các hoạt động bên ngoài xã hội (đi chơi, họp mặt gia đình, bạn bè, vv…).

    Phải có lời khai viết thật đầy đủ về mối quan hệ của cả hai từ lúc bắt đầu cho đến hiện tại, và cả những cam kết trong tương lai.

    Mối quan hệ phải được xã hội công nhận: giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận mối quan hệ nếu chưa kết hôn, giấy khai thuế trong đó có khai cả phần thuế của vợ và chồng, giấy xin trợ cấp từ Centrelink (nếu có), vv..

Visa Lao động tay nghề, bao gồm visa 489, 189, 190

  • Không có  Thẩm định tay nghế (Skill Assessment). Nếu ngày nộp thẩm định tay nghề sau ngày nộp hồ sơ, chắc chắn hồ sơ sẽ bị từ chối.

  • Không có bằng tiếng Anh IELTS 6.0 tối thiểu trên tất cả các band, hoặc bằng PTE tương đương.

  • Không có “Employment Reference”, bao gồm giấy chứng nhận làm việc do tất cả những công ty đã đương đơn đã từng làm việc qua cấp.

  • Trong đó, những lời khai cụ thể về nội dung công việc, vị trí, vai trò, trách nhiệm của đương đơn trong công ty phải được nêu chính xác, và liên quan đến công việc mà đương đơn sẽ xin trong Skill Visa.

Visa tốt nghiệp 485

  • Không xin giấy lý lịch tư pháp (Australian Federal Police Check) trước khi nộp hồ sơ.

  • Không gia hạn hoặc mua bảo hiểm mới trước khi nộp hồ sơ.
    Phải học tại Úc ít nhất 2 năm. Xin Thẩm định tay nghề đối với visa du học đã được cấp trước ngày 5 tháng 11 năm 2011. Những Visa sinh viên được cấp sau ngày này thì không cần phải xin Thẩm định tay nghề, nhưng phải từ bậc Đại học trở lên.

Visa Chủ lao động bảo lãnh, bao gồm 457, 186, 187

  • Không chứng minh được vị trí đương đơn xin là cần thiết cho công ty. Ngoài ra, đương đơn còn phải trải qua khóa huấn luyện của công ty và giải thích được tại sao vị trí đó cần thiết và phù hợp với hoạt động của công ty.

Visa Chủ lao động bảo lãnh, bao gồm 457, 186, 187

  • Hiện tại Visa du học sinh rất dễ bị từ chối vì lý do đi du học mà đương đơn khai. 
    Ví dụ: Đương đơn khai trong hồ sơ mục đích đi du học và mong muốn ở lại Úc để làm việc và xin thường trú, hồ sơ sẽ bị từ chối ngay vì lý do này được xem là không thuần mục đích đi du học.

  • Không có kế hoạch học rõ ràng. 
    Trước khi nộp hồ sơ, đương đơn đã học nhảy trường liên tục, chuyển ngành nhiều lần và vẫn không có kế hoạch cụ thể gì cho việc học của mình, thì khi nộp hồ sơ, khả năng cao sẽ bị từ chối. 
    Thậm chí là khi đương đơn đã xin được visa du học sinh tại Úc, nhưng lại chuyển trường liên tục và chuyển sang bậc học khác (từ Cử nhân xuống Diploma), thì khi đương đơn nộp đơn xin lại Visa khác, Bộ Nội Vụ có quyền từ chối hồ sơ.
          

Visa bảo lãnh cha mẹ hoặc người phụ thuộc trên 18 tuổi

  • Lý do sức khỏe không đạt yêu cầu. Cha mẹ hoặc người phụ thuộc mắc những căn bệnh thuộc vào danh sách Bộ Nội Vụ không đồng ý cấp Visa. 
    Bộ Nội Vụ hiện tại không xét qua lý do nếu gia đình tự chi trả chi phí điều trị hay không, chỉ cần người xin Visa mắc những căn bệnh trong danh sách được nêu, họ có quyền từ chối hồ sơ.

  • Người phụ thuộc trên 18 và dưới 23 tuổi phải chứng minh được sự phụ thuộc vào người bảo lãnh là thật sự. 
    Người phụ thuộc phải đi học toàn thời gian, phụ thuộc vào người bảo lãnh về mặt tài chính, ăn, mặc, ở. 
    Có trường hợp hồ sơ được nộp năm người phụ thuộc 20 tuổi, nhưng mất 3 năm hồ sơ mới được xét xong, khi đó người phụ thuộc đã 23 tuổi, và hồ sơ hoàn toàn có khả năng bị từ chối.

  • Người con trên 18 tuổi phải tiếp tục quá trình học toàn thời gian cho đến khi hồ sơ xét xong. Không được phép có khoảng thời gian nào nghỉ học và chỉ ở nhà hoặc đi làm. 

Visa bảo lãnh con

  • Con dưới 18 tuổi được tính là người phụ thuộc hoàn toàn.

  • Người con trên 18 tuổi phải tiếp tục quá trình học toàn thời gian cho đến khi hồ sơ xét xong. Không được phép có khoảng thời gian nào nghỉ học và chỉ ở nhà hoặc đi làm. 

Theo SBS vietnamese